Chuyên gia đến từ Trường Đại học Oxford đã mang đến nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, tạo điều kiện cho giáo viên Trường Quốc tế Á Châu phát triển và nâng cao kỹ năng giảng dạy chương trình tiếng Anh quốc tế.
Nằm trong chuỗi hoạt động định kỳ tập huấn giảng dạy đầu năm học, ngày 25/10 tại cơ sở Cao Thắng, Trường Quốc tế Á Châu phối hợp với Nhà xuất bản Oxford University tổ chức buổi tập huấn dành cho giáo viên trợ giảng Bậc Tiểu học IPS với chủ đề “21st Century Skills & Creative Grammar”. Chuyên gia thuyết giảng là cô Sadie Jane Maddocks - Giám đốc sản xuất NXB Oxford University khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Cô Sadie Jane Maddocks
Trong một lớp học giả định mà ở đó thầy cô giáo trở thành học sinh, cô Sadie Jane Maddocks đã vận dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả, đem đến cho học trò mình những bài học tiếng Anh bổ ích. Đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại nhiều quốc gia trên thế giới, cô Sadie định hướng phương pháp giảng dạy mới theo xu hướng hiện đại có thể áp dụng rộng rãi trong việc dạy và học ngoại ngữ tại trường đó là xây dựng kỹ năng cho học sinh với các kĩ năng tư duy phê phán, giao tiếp, hợp tác. Kèm theo đó là các hoạt động giảng dạy ngữ pháp sinh động, hấp dẫn mang lại hiệu quả học tập cao.
Chuyên gia đến từ Oxford giới thiệu phương pháp giảng dạy mới
Giáo viên tiếp thu kiến thức bổ ích từ chuyên gia
Theo đó, lớp học tương tác với bàn ghế được sắp xếp khoa học, học sinh được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, cùng thảo luận theo các chủ đề mà giáo viên đặt ra. Liên tục đặt các câu hỏi mở như: thế nào, bằng cách gì, tại sao,… giáo viên giúp học sinh chủ động tìm tòi, trao đổi thông tin, mạnh dạn đưa ra các câu trả lời, khuyến khích sự tranh luận theo quan điểm cá nhân… Cuối cùng, giáo viên sẽ là người lắng nghe, sửa lỗi sai và dẫn dắt, định hướng học sinh đi đến những lựa chọn đúng. Trong quá trình tương tác cũng như phản xạ của học sinh, giáo viên sẽ nắm bắt được những gì học sinh biết trước đó với những gì học được sau bài học.
Lớp học tương tác, giáo viên khuyến khích học sinh tranh luận, mạnh dạn trả lời
Thay vì lặp lại theo bài giảng hoặc đáp ứng theo yêu cầu của giáo viên một cách thụ động thì giờ đây học tiếng Anh đã trở nên dễ dàng hơn khi học sinh đã dạn dĩ với các kĩ năng tư duy phê phán, giao tiếp, hợp tác. Học sinh được tự do tham gia, trao đổi, khám phá và chủ động sáng tạo ngôn ngữ theo năng lực phù hợp với từng hoàn cảnh. Vai trò của giáo viên khi đó trở thành người hỗ trợ trong một không gian học đường sinh động với hàng loạt các hoạt động, tình huống vui nhộn xoay quanh nội dung bài học.
Tiết học với học sinh là trung tâm, vai trò của giáo viên là người hỗ trợ
Để tạo hứng khởi cho học sinh tham gia tích cực vào những bài học ngữ pháp, chuyên gia Oxford nhấn mạnh đến việc sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động như biểu đồ, hình vẽ, sách báo, video… Kết hợp với các hoạt động sôi nổi như kể chuyện, chơi trò chơi, làm bài tập nhóm… giúp học sinh vừa dễ tiếp thu kiến thức mới, vừa tự tin thể hiện mình và đoàn kết, chia sẻ với các bạn cùng lớp.
Sôi nổi với trò chơi và video mang lại hình ảnh trực quan sinh động
Với kì vọng phát triển hơn nữa môi trường giáo dục chất lượng tại Trường Quốc tế Á Châu, buổi tập huấn chính là cơ hội để giáo viên Bậc Tiểu học IPS học hỏi kinh nghiệm quý báu từ chuyên gia Oxford nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, đem đến những tiết học tiếng Anh thú vị cho học sinh Trường Quốc tế Á Châu. Qua đó xây dựng, rèn luyện cho học sinh các kĩ năng tốt nhất đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại.
Đại diện Trường Quốc tế Á Châu tặng hoa cảm ơn những chia sẻ quý giá từ cô Sadie
Giáo viên và chuyên gia Oxford chụp ảnh lưu niệm sau buổi tập huấn
Cảm nhận giáo viên
Cô Lê Thị Kim Phượng - Cơ sở Cộng Hòa
Nhiều năm giảng dạy tại Trường Quốc tế Á Châu, tôi có cơ hội được tham gia rất nhiều buổi tập huấn bổ ích phục vụ cho công tác giảng dạy. Buổi tập huấn năm nay giúp chúng tôi tiếp cận với kiến thức mới mẻ theo xu thế thời đại, hướng đến xây dựng những kỹ năng cần thiết hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh hiện nay. Tôi thích nhất là kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm, giúp học sinh phát triển, không dừng lại ở việc nghe, hiểu tiếng Anh mà các em có thể sáng tạo hơn nữa trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Thầy Nguyễn Phương - Cơ sở Thái Văn Lung
Chuyên gia Oxford đã mang đến những kinh nghiệm giảng dạy và các kiến thức bổ ích giúp giáo viên đổi mới, hoàn thiện bài giảng tiếng Anh trên lớp. Bản thân tôi là giáo viên cũng cảm thấy rất hào hứng với những bài học về từ vựng, ngữ pháp thú vị, sôi động được chuyên gia chia sẻ. Tôi muốn cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức chương trình tập huấn hữu ích như vậy.
Cô Trương Thị Hiền Vân - Cơ sở Bình Thạnh
Học ngôn ngữ thứ 2 bên cạnh tiếng mẹ đẻ là việc không hề dễ dàng đối với học sinh tiểu học. Buổi tập huấn chính là cơ hội để giáo viên học hỏi được những phương pháp giảng dạy hiệu quả, từ đó thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Sau buổi tập huấn, bên cạnh kiến thức bổ ích, tôi thấy mình thêm tự tin hơn khi được chuyên gia Oxford truyền cảm hứng. Thật vui khi tôi có thể làm điều tương tự như vậy dành cho học trò của mình trong các tiết học tiếng Anh.
Cô Sadie Jane Maddocks - Giám đốc sản xuất NXB Oxford University khu vực Đông Nam Á
Năm ngoái, khi tập huấn giáo viên Trường Quốc tế Á Châu chúng tôi tập trung nhiều vào kĩ năng nghe và dẫn dắt bài dạy còn năm nay chúng tôi tập huấn cho giáo viên cách áp dụng phương pháp, kĩ năng giảng dạy của thế kỉ 21. Các giáo viên sẽ biết chuyển đổi linh hoạt giữa các kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết trong một bài dạy một cách sáng tạo và làm sao để học sinh học tiếng Anh thì không chỉ biết sử dụng trong lớp học mà còn có thể sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày của các em. Tôi đã có cơ hội quan sát các giáo viên dạy trong lớp học và tôi thật sự thích nhìn họ giảng dạy như thế. Các giáo viên đã trở nên năng động hơn, và đó là một điều rất quan trọng vì giáo viên đóng vai trò là người truyền cảm hứng của mình cho các em học sinh nhỏ tuổi. Các giáo viên luôn cần phải ngày càng đam mê, học hỏi, tin tưởng vào nghề của mình và không ngừng tiến bộ. Ngoài ra, giáo viên cũng phải luôn tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng nữa. Tôi và Oxford University Press
muốn hợp tác với Trường Quốc tế Á Châu cũng như các trường tại Việt Nam với mong muốn tạo nên nhiều chương trình tập huấn có chất lượng để nâng cao nghiệp vụ của giáo viên và còn để có được một tương lai với nhiều lao động Việt Nam biết sử dụng tiếng Anh thành thạo.