“Nếu là lớp trưởng, ngoài việc nỗ lực học tập, tôi sẽ quản lý lớp, giúp đỡ các bạn học yếu vươn lên, từ đó hoàn thiện bản thân mình”, đó là một phần trong bài phát biểu của Trần Thành Duy, người đã nhận được phần lớn số phiếu bầu và trở thành tân lớp trưởng.
Học sinh đang bỏ phiếu bầu ban cán sự cho năm học mới - Ảnh: Lam Ngọc
Đây là một cuộc tranh cử diễn ra khá sôi nổi của học sinh (HS) ở một trường quốc tế tại TP.HCM vào đầu năm học mới.
Ai cũng có cơ hội
Năm học mới, HS ở nhiều trường quốc tế đã tất bật với việc bầu cử để tìm kiếm một lớp trưởng gương mẫu phụ giúp giáo viên quản lý lớp.
Dù đến 7 giờ 30 buổi thảo luận mới diễn ra, nhưng ngay từ rất sớm nhiều thành viên đã có mặt ở lớp, trên tay là những bài phát biểu bằng tiếng Anh với những kế hoạch, mục tiêu cụ thể để xây dựng, phát triển lớp học. Nội dung bài phát biểu xoay quanh chủ đề “Nếu tôi là lớp trưởng tôi sẽ làm những gì”…
Trong bộ đồng phục tươm tất, Phan Anh Đức (HS lớp 11) cho biết: “Em đã thức rất khuya để viết một bài luận trình bày mong muốn được làm lớp trưởng và kế hoạch công việc sau khi trở thành lớp trưởng”.
Trong bài luận, Đức nêu rõ khó khăn trong việc quản lý và theo sát từng thành viên trong lớp của giáo viên quản nhiệm. Từ đó Đức cam kết “nếu trở thành lớp trưởng tôi sẽ giúp thầy cô theo sát các bạn trong lớp, giúp các bạn học tập tốt hơn để làm cho tập thể lớp hoàn thiện”.
Không chỉ Đức, hầu hết HS đều háo hức chuẩn bị một bài phát biểu để diễn thuyết trong khoảng thời gian từ 5 - 7 phút… Phong cách hồn nhiên nhưng không kém phần nghiêm túc, Wilson Kenneth Mark (một HS người nước ngoài), tự tin: “Nếu là lớp trưởng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ các bạn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Giống như các bạn đã từng làm như vậy với tôi”.
Sau bài phát biểu của Mark, chúng tôi được nghe câu chuyện khá đặc biệt về quá trình “lột xác” để được trở thành lớp trưởng. “Trước đây Mark có lực học trung bình, điểm số thường dao động ở điểm 5. Trong quá trình học bạn ấy khá chểnh mảng, không quan tâm nhiều tới việc học.
Mặt khác, bạn ấy rất mong muốn được làm lớp trưởng để thử sức ở vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, để được làm lớp trưởng, ngoài việc có nhiệt huyết, năng nổ, người đó phải có đạo đức và lực học tốt. Để giúp Mark thực hiện mong muốn của mình kỳ học vừa rồi, em và một số bạn trong lớp đã kèm cho Mark về lực học và góp ý với bạn ấy về thái độ và lối sống. Kết quả là điểm số của Mark vượt lên trên 7 và kỳ này bạn ấy rất tự tin ứng cử vào vị trí lớp trưởng”, Thành Duy cho biết.
Học làm người lãnh đạo
“Có thể với xã hội thì lớp trưởng không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng đối với chúng em, trường học là môi trường lớn gắn bó đầu tiên. Em nghĩ tự ứng cử là cơ hội khá tốt để mỗi bạn khám phá khả năng của chính mình”, Thành Duy, tân lớp trưởng, cho biết.
Thầy Phạm Quốc Thiện, giáo viên của trường quốc tế này, cho rằng thông qua bài phát biểu cho thấy các em khá chững chạc trong suy nghĩ. “Có em còn đặt mình vào vị trí của thầy cô, hiểu được công việc quản lý phụ trách lớp của giáo viên khá vất vả nên tình nguyện hỗ trợ thầy cô trong việc theo sát từng bạn trong lớp. Bên cạnh đó, bản thân lớp trưởng có lực học tốt và đã từng giúp đỡ nhiều bạn khác trong lớp cải thiện kết quả học tập”.
Thầy Thiện cũng cho rằng: “Muốn HS trưởng thành, chúng ta không chỉ dạy bằng lý thuyết mà nên cho các em được va đập. Với việc tự ứng cử, các em phải tự đề ra kế hoạch nên làm gì và làm như thế nào. Kết quả của việc làm này sẽ giúp các em hoàn thiện bản thân”.
Để minh chứng thêm, Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ: “Em rất nghiêm túc và cho rằng mình may mắn khi nhiều năm liền được tham gia hoạt động này. Bây giờ khi đứng trước ba mẹ, thầy cô hay những người khác em thấy mình tự tin và chững chạc hơn... Lúc còn là HS lớp 10, em rất bất ngờ với hình ảnh hoàn toàn thay đổi của bạn Tĩnh. Trước khi làm lớp trưởng, Tĩnh khá nghịch ngợm. Tuy nhiên, từ khi tự ứng cử vào vị trí lớp trưởng và trúng cử, Tĩnh hầu như thay đổi trở thành một con người khác. Chững chạc hòa đồng, có trách nhiệm với việc mình làm...
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ nhưng tất cả các thành viên đã bày tỏ đầy đủ quan điểm, thái độ cách đánh giá vấn đề ở một vị trí mới. Trong suốt buổi thuyết trình là bầu không khí thoải mái, dân chủ, không e ngại hay dè dặt. Các thành viên trong lớp thẳng thắn phản biện lẫn nhau tạo ra một cuộc bầu cử vui vẻ, hiệu quả.