Nắm vững cấu trúc đề thi để đạt kết quả cao môn tiếng Anh

Nắm vững cấu trúc đề thi để đạt kết quả cao môn tiếng Anh
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hòa đang hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12

Không chỉ là một trong ba môn thi bắt buộc mà tiếng Anh còn là môn thuộc nhiều tổ hợp môn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Do vậy, theo thạc sĩ Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên Trường Quốc tế Á Châu, học sinh hoàn toàn có thể làm tốt bài thi của mình nếu nắm chắc cấu trúc đề thi và có kế hoạch ôn thi hợp lý.

Thạc sĩ Thanh Hòa phân tích, đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm bao gồm các phần như: Ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng tổng hợp, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, tìm lỗi sai, chức năng giao tiếp, đọc hiểu và tìm câu đồng nghĩa.

Về phần ngữ âm, học sinh cần nắm một số quy tắc phát âm cũng như dấu nhấn trọng âm qua các ví dụ từ đó có thể dễ dàng áp dụng vào các từ khác, kể cả từ chưa gặp. Với phần trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng tổng hợp, học sinh cần nắm vững các chủ điểm ngữ pháp cũng như vốn từ vựng trong sách giáo khoa lớp 12.

Riêng đối với học sinh tham gia xét tuyển ĐH, các em cần ôn thêm một số mẫu câu phức tạp và các dạng câu hỗn hợp và trau dồi vốn từ vựng của mình vì nó giúp các em tự tin làm phần đọc hiểu. Ngoài ra, các em cần đọc kỹ đề bài với phần chọn từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa vì học sinh hay làm sai ở phần này do không đọc kỹ đề.

Đối với tìm lỗi sai, học sinh nên chú ý các lỗi thường gặp như hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, lỗi liên quan đến mệnh đề và dạng câu hoặc lỗi liên quan đến từ loại. Đặc biệt, đọc hiểu là phần thường gây khó cho học sinh và để giúp phân loại học sinh. Nó chiếm số lượng lớn câu hỏi trong bài thi (20/50 câu trắc nghiệm), gồm đọc hiểu điền từ, đọc lấy thông tin cụ thể hoặc đại ý và đọc để phân tích, tổng hợp, suy luận.

Đối với đọc hiểu, học sinh nên đọc nhanh từ đầu đến cuối, không dừng lại khi gặp từ mới, sau đó phân tích chỗ trống cần điền để chọn từ phù hợp (đối với dạng điền từ) hoặc đọc câu hỏi và xác định thông tin cần tìm trong bài (đối với dạng trả lời câu hỏi) và cuối cùng đọc lại toàn bộ bài để kiểm tra đáp án và xử lý những câu khó. Đối với phần tìm câu đồng nghĩa, học sinh nên chú ý các điểm ngữ pháp đang học trong chương trình.

Ngoài ra, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, giáo viên Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Vĩnh Viễn hướng dẫn học sinh cần chú ý ôn tâp cẩn thận những kiến thức căn bản.

Chẳng hạn, ôn từ vựng theo chủ đề từng bài trong sách giáo khoa. Hệ thống từ theo từ loại là một gợi ý cần thiết: Danh từ (Noun), động từ (Verb), tính từ (Adjective), trạng từ (Adverb). Hướng dẩn chức năng từ loại và vị trí trong câu. Đối với phần này, đa số học sinh vẫn còn lung túng khi làm bài.

Hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề từ thấp đến nâng cao. Chú ý các phần chuyển đổi câu, viết tiếp câu (phần này mấy năm qua do cấu trúc đề thường bỏ qua nay lại trở lại). Ngoài ra cần xem lại cách trả lời (question & responses) mà trong đề thi các năm trước hay ra, năm nay lại được tách phần riêng...

Theo Bảo Châu (ghi)
(Thanh niên)

http://thanhnien.vn/giao-duc/nam-vung-cau-truc-de-thi-de-dat-ket-qua-cao-mon-tieng-anh-791293.html

Copyright © 2013 The Asian International School, All rights reserved