Ngày 19/9, học sinh trường Quốc tế Á Châu đã cùng tham gia workshop giới thiệu về Chương trình Rhino Heroes - được phát động bởi Wilderness Foundation Africa. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới (22/9).
Workshop diễn ra tại cơ sở Cao Thắng với sự có mặt của cô Christine Roets - Quản lý cấp cao của Wilderness Foundation Africa, cô An Hoang, đại diện cho chiến dịch Wild Rhino tại Việt Nam. Về phía Nhà trường, có sự tham gia của các Giám đốc Chương trình Quốc tế Bậc Tiểu học & Trung học. Đặc biệt còn có sự hiện diện của hàng trăm học sinh Bậc Tiểu học và Bậc Trung học từ khắp các cơ sở.
Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, góp phần tạo nên ý thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi nhằm bảo vệ loài tê giác đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng
Tại buổi workshop với những chia sẻ từ các diễn giả, học sinh Trường Quốc tế Á Châu đã có cái nhìn chung về thực trạng cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác, hiểu hơn các hoạt động bảo tồn loài động vật này trên thế giới, tìm hiểu về Wilderness Foundation Africa và chương trình Rhino Heroes. Ngoài ra, các em còn tham gia các hoạt động thảo luận đầy sôi động, từ đó nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của bản thân, cùng chung tay bảo vệ loài tê giác.
Cô Christine Roets - Quản lý cấp cao của Wilderness Foundation Africa trình bày về Hoạt động bảo tồn, trình bày về tổ chức và cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác
Tại chương trình các em học sinh đã có cơ hội chia sẻ, trao đổi hiểu biết của mình về tê giác và việc bảo tồn tê giác
Học sinh Lê Trần Phúc Vĩnh (lớp 11/15): “Qua buổi workshop ngày hôm nay em biết được rằng Việt Nam đứng top 1 về sản lượng tiêu thụ cũng như săn bắn sừng tê giác. Số lượng tê giác còn rất ít vì bị săn bắn trái phép, bất chấp mọi luật lệ, hậu quả, vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng thẳng tay lấy đi sừng của tê giác, bởi vậy dẫn đến tình trạng báo động về số lượng tê giác còn tồn tại trên toàn thế giới ngày nay. Theo quan điểm cá nhân của em, chúng ta hãy tuyên truyền đến mọi người những tác hại, hậu quả nghiêm trọng mà những hành động này gây ra cho hệ sinh thái của thế giới.”
Học sinh Trường Quốc tế Á Châu chung tay cùng thế giới bảo vệ loài tê giác
Sự đồn thổi về công dụng chữa bệnh, làm thuốc từ sản phẩm của các loài động vật hoang dã như sừng tê giác tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã góp phần khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm này tăng cao, thúc đẩy các hoạt động săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã xuyên quốc gia, đẩy một số loài động vật hoang dã đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
Trước thực trạng nạn săn bắt tê giác trái phép, học sinh
Nguyễn Ngọc Linh Nhi (lớp 7/11) bày tỏ: “
Mặc dù việc buôn bán sừng tê giác đã bị cấm từ lâu, tuy nhiên một số quốc gia vẫn buôn lậu sừng tê giác khắp nơi và đích đến cuối cùng là Châu Á. Và em đã rất bất ngờ khi biết Việt Nam là nơi tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới. Vậy nên em với tư cách là một học sinh, em muốn thật nhiều người biết và hiểu hơn về cách bảo vệ tê giác. Em hy vọng các tổ chức và cộng đồng có thể làm ra nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi của chúng em để có thể bảo vệ tê giác cũng như thiên nhiên.”
Sững sờ khi biết được con số thống kê các cá thể tê giác bị giết hại cũng như chứng kiến những hình ảnh chân thật về nạn săn bắt tê giác trái phép, em Đặng Thanh Hải (lớp 11/8) gửi gắm: “Đối với học sinh, chúng ta sẽ có nhiều cách để giảm tỷ lệ khai thác sừng tê giác trái phép. Không chỉ học giỏi trong tất cả các bộ môn, mà chúng ta phải tích cực tham gia các đối thoại mang tính chất toàn cầu như hôm nay để tích thêm kiến thức. Ngoài ra, chúng ta còn phải phổ biến cho người dân về nạn diệt chủng tê giác và giáo dục họ rằng sừng của tê giác không phải là thuốc bổ trị bệnh.”
Học sinh ký tên thể hiện cam kết không sử dụng sừng tê giác
Với những ý nghĩa thiết thực của workshop, học sinh Trường Quốc tế Á Châu đã nhanh chóng nắm bắt thông điệp mà chương trình mang lại, qua đó nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của bản thân và cùng chung tay bảo vệ loài tê giác đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới này của Trường Quốc tế Á Châu còn tổ chức cuộc thi Vẽ tranh cổ động “Bảo vệ tê giác” và triển lãm tranh vẽ về tê giác xuyên suốt tháng 9, qua đó vừa có thể tạo ra sân chơi để học sinh nói lên tiếng nói của mình, vừa cho các em cơ hội sáng tạo, thể hiện tài năng hội hoạ của bản thân…
Bên cạnh học tập, xuyên suốt năm học, học sinh trường Quốc tế Á Châu luôn được khuyến khích và tạo điều kiện để tham gia các hoạt động hưởng ứng các sự kiện lớn của thế giới, giúp các em học hỏi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời thể hiện suy nghĩ, hành động và trách nhiệm của bản thân trước các vấn đề chung của xã hội.
Một số hình ảnh tại workshop: